Những con số trong hành trình nhân ái của chàng trai này thật sự ấn tượng với hơn 7.000 trẻ em nghèo ở Điện Biên được ăn bữa cơm trưa có thịt tại trường, 15 điểm trường được xây trong năm 2019 và sẽ có thêm 30 điểm trường nữa được hoàn thành vào năm 2020.
Năm 17 tuổi, Hoàng Hoa Trung thực hiện dự án đầu tiên có tên “Thiệp nhân ái” giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm thiệp bán để có thêm thu nhập. Đây cũng chính là hoạt động khiến chàng trai trẻ quyết định tham gia nhóm “Tình nguyện Niềm Tin” và gắn bó cho tới tận bây giờ.
“Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính bởi khi đó uy tín chưa có, không phải ai cũng dễ dàng bỏ ra một số tiền khi không biết tôi là ai, dự án sẽ hoạt động như thế nào. Vì thế, tôi đã chọn cách xây dựng uy tín trước thay vì đi xin quyên góp, ủng hộ. Tôi ưu tiên tính công khai, minh bạch các thông tin về dự án và điều đó đã mang lại sự tin tưởng tuyệt đối, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”, Hoàng Hoa Trung cho biết.
Chỉ riêng năm 2019, Trung và nhóm tình nguyện Niềm Tin đã huy động thành công số tiền gần 20 tỉ đồng, xây dựng được 15 ngôi trường cho trẻ em vùng cao, nâng tổng số lên 25 ngôi trường đã được xây dựng cho học sinh vùng cao trên cả nước.
Trung nhớ lại lần lên bản Nậm Vì (Điện Biên) khảo sát để xây dựng điểm trường mới và bị ám ảnh trước những khó khăn, thiếu thốn của cô và trò nơi đây.
“Lớp học tuềnh toàng, xiêu vẹo, thủng lỗ chỗ, đến mức học sinh có thể thò đầu vào xem thầy cô dạy. Bàn ghế cái cao cái thấp, miễn ngồi được. Nhiều thầy cô cho biết, hết năm học lại phải lấy tre nứa và bạt để gia cố lại lớp học”, Trung kể lại.
Những hình ảnh ấy đã thôi thúc Trung và Nhóm thiện nguyện Niềm Tin xây dựng dự án Ánh sáng núi rừng với mục tiêu mỗi năm xây dựng từ 1 – 2 điểm trường.
Rồi Hoàng Hoa Trung lại phát hiện trường đã xây chắc chắn, khang trang, nhưng vẫn có tình trạng nhiều học sinh bỏ học. “Thì ra học sinh đói nên không thể đến trường. Các em phải vào rừng kiếm thức ăn. Ý tưởng về một bữa ăn có thịt nhen lên trong đầu tôi từ khi đó, cũng bởi mong muốn các em được đến trường, được học tập và sẽ thoát khỏi cảnh nghèo khó”, Trung chia sẻ.
Và thế là “Bữa trưa có thịt” nằm trong dự án “Nuôi em” hay còn gọi là “Bữa cơm níu trẻ em đến trường” ra đời. Nhờ có bữa trưa ngon và miễn phí nên tỉ lệ bỏ học của học sinh ở các điểm trường giảm đáng kể. Tính đến đầu năm 2019, số học sinh nằm trong dự án “Nuôi em” này đã là hơn 7.000 em.
Để vận động được các nhà hảo tâm quyên góp cho dự án “Nuôi em”, Trung và các thành viên trong nhóm đã khảo sát và lên danh sách kèm hình ảnh cụ thể của từng em. Mỗi em sẽ có một mã số riêng và có đầy đủ thông tin về bố mẹ, thầy cô, thậm chí là già làng, trưởng bản để người nhận nuôi dễ dàng, chủ động liên hệ. Ngoài ra, nếu các nhà hảo tâm muốn đến thăm trực tiếp học sinh mà mình nhận nuôi, nhóm sẽ giúp họ kết nối.
Từ khi có dự án “Nuôi em”, các thầy cô cắm bản ngoài việc dạy học sẽ kiêm thêm nhiệm vụ làm đầu bếp vào tất cả các buổi trưa để nấu ăn cho học sinh của mình. Đầu mối cung cấp thực phẩm để phân phát cho các điểm trường của dự án “Nuôi em” chính là ở phòng giáo dục các địa phương.
Hiện nay, dự án “Nuôi em” ngày càng được mở rộng với lượng người tham gia lên đến 12.000 nhà hảo tâm trên cả nước. Nhờ dự án này, hàng chục nghìn bữa ăn đã được triển khai, các em đã có cơm ăn, tỉ lệ bỏ học buổi chiều cũng giảm đáng kể từ 80% xuống 5%.
Suốt 13 năm cống hiến sức trẻ cho đam mê tình nguyện, đến nay Hoàng Hoa Trung đã làm nên những con số kỷ lục khi kết nối hàng nghìn nhà hảo tâm trên khắp cả nước và quyên góp hàng chục tỉ đồng.
Dường như trong con người Trung, sự sáng tạo là không ngừng nghỉ. Để có tiền làm thiện nguyện, Trung và các bạn trong nhóm làm mọi cách để kiếm tiền. Cái tên Trung “đồng nát” cũng xuất phát từ những việc làm tưởng chừng như điên rồ ấy.
“Tầng 1 nhà tôi giống như một cái kho chứa rất nhiều quần áo, sách vở, đồ dùng cả mới lẫn cũ. Có lần được cho cả xe ô tô quần áo cũ, chúng tôi đem bán rẻ cho người nghèo được gần 3 triệu đồng. Rồi chúng tôi bán phân bò, bán gốm lỗi lấy tiền. Chúng tôi cũng để ý các hội chợ sau khi tổ chức xong, rất nhiều gian hàng bỏ đi tấm bạt quây, nên đã xin lại để che chắn ở các điểm trường vùng cao. Thậm chí, chúng tôi còn vào các khu ký túc xá để xin đồng nát ve chai”, Trung chia sẻ.
Năm 2020, mục tiêu lớn hơn đang được Trung và các bạn thực hiện để có thể xây dựng được các điểm trường, nhà tình thương, cầu… tại các vùng miền núi. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó, dự án “Sức mạnh 2.000” đã ra đời.
“Nhiều người nghĩ giàu mới làm từ thiện, nhưng đối với dự án này thì không phải vậy. Nếu huy động thì người ta kiểu gì cũng ủng hộ vài trăm nghìn, nhưng sẽ không được lâu dài. Còn với 2.000 đồng/ngày thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn đối với tất cả mọi người và dự án sẽ có điều kiện để thực hiện được lâu dài. Chỉ cần 2 triệu người tham gia dự án, số tiền góp được sẽ đủ giúp tất cả trẻ em Việt Nam có thể cắp sách tới trường”, Hoàng Hoa Trung cho biết.
Để thực hiện dự án này, Hoàng Hoa Trung đã kết nối với ví điện tử Momo để xây dựng phần mềm trừ tiền tự động. Thông tin về các điểm trường, nhà tình thương, cầu sẽ được hiển thị rõ ràng để người tham gia biết được về tiến độ thực hiện và số tiền mình ủng hộ được dùng vào việc gì.
Khi hỏi có bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ dừng công việc thiện nguyện này khi bước sang một giai đoạn mới của lứa tuổi và cuộc đời, Hoàng Hoa Trung lắc đầu và nói: “Tôi chưa nghĩ ra lý do gì để dừng làm thiện nguyện bởi đó là niềm đam mê của tôi. Thường thì người ta mê đàn, mê hát, mê công nghệ, thể thao… còn tôi thì mê làm từ thiện. Tôi nhận thấy rằng, niềm đam mê ấy không chỉ khiến tôi hạnh phúc mà còn làm cho nhiều người hạnh phúc nên không có lý do gì mà tôi phải dừng lại”.