5/9/2020
Chắc hẳn trong chúng ta, nhất là những người tự độ tuổi 20-40, quen dùng facebook, gmail “người của công nghệ” luôn nghĩ là: Nhận nuôi một em nhỏ, thì “phải” hoặc “sẽ” nhận được thông tin hình ảnh, tiến độ, ăn uống… qua email, hay inbox thì mới là “CHUYÊN NGHIỆP”? Nhưng không đâu, ở dự án Nuôi Em, các bạn sẽ KHÔNG được nhận những thứ đó qua email hay inbox, mà sẽ qua một kênh khác, trao quyền hơn và minh bạch hơn rất nhiều.
Quay trở lại với 12 năm trước, khi Hoàng Hoa Trung – điều hành dự án Nuôi Em còn chập chững bước vào giới thiện nguyện và các hoạt động xã hội. Trong một cuộc thi và giành giải thưởng cao, đã được tập huấn bởi những anh chị gạo cội, kinh nghiệm và bắt đầu nghe tới khái niệm “Trao quyền cho người hưởng lợi”. Sau này, 2018, dự án Nuôi Em từ 88 học sinh vụt sáng lên tới hơn 5400 học sinh đã áp dụng được cách này, và thậm chí là “Trao quyền cho cả nhà tài trợ”.
Cụ thể thế nào? Bỏ qua cách cập nhật theo dạng thụ động mà nhìn có vẻ chuyên nghiệp: Gửi email từng hình ảnh, video mỗi tháng cho anh chị nuôi, anh chị nuôi có vẻ rất dễ dàng tiếp nhận. Nhưng tiềm ẩn sâu xa của cách làm này đó là: Anh chị nuôi KHÔNG biết rõ được liệu hình ảnh đó, có thực không? Chúng tôi không làm vậy. Bằng cách tạo ra một sân chơi trên facebook: Group theo bản, nơi có cả thầy cô giáo cắm bản, Phòng giáo dục, và cả Anh chị Nuôi có thể trao đổi với nhau. Cơ chế là Thầy cô giáo cắm bản trực tiếp nấu cơm, giảng dạy cho bé sẽ là người chụp ảnh, gửi ảnh video lên group với sự hỗ trợ của Phó hiệu trưởng hay Phòng Giáo Dục trong trường hợp cần thiết. Tạo thành một sợi chỉ đỏ tới tận điểm bản.
Bằng cách này, chúng tôi mong muốn các việc sau:
- Thầy cô giáo được nắm rõ số tiền ăn của mỗi bé, từ đó hạn chế việc ăn chặn tiền thêm một lần nữa.
- Anh chị nuôi có thể đặt câu hỏi trực tiếp với các bên sát sườn nhất, để có kết quả nhanh và chính xác nhất: Lớp học của các em, Hiệu phó các trường nơi các em theo học và cả Phòng Giáo Dục.
- Anh chị nuôi có thể tương tác với bé ( nếu điều kiện cho phép).
- Bản thân những người vận hành dự án cũng “đỡ” đi những công đoạn lên tới cả vạn người, vạn email
- Bản thân dự án bớt đi chi phí vận hành về nhân sự, email marketing trả phí …
Tuy nhiên, đó mới là ý tưởng, và cần đưa vào thực tế để thử nghiệm và hoàn thiện.
Chúng tôi chưa dám nói ý tưởng này vận hành trơn tru ngay từ lúc triển khai ( 2019-2020) mà sẽ phải cần thời gian để nhìn nhận xem cái gì là cái khó, sẽ xử lý nó.
Ví dụ như:
– Việc thầy cô giáo không dùng Smartphone, chưa có kĩ năng chụp ảnh, chưa biết dùng Facebook.
– Cần phải giúp cho anh chị nuôi biết được em nào là em của mình ( năm 2020-2021, mỗi lần chụp ảnh đều phải rõ mặt Tất Cả các bé, ghi chú rõ tên từng bé để anh chị nắm được ).
– Việc truyền tải, hướng dẫn cho 1000 thầy cô giáo cắm bản đa phần đều là dân tộc thiểu số cũng là một trong những cái phải làm rất triệt để.
– Anh chị hỏi mà các thầy cô chưa có phản hồi vì nhiều lý do: Lúc đó chưa có sóng điện thoại, chưa có 3G, chưa về bản, hoặc chưa hiểu rõ ý.
Chúng tôi đã có những kịch bản để xử lý những vấn đề này ngay trong mùa 2020-2021 khi có thêm người phụ trách lắng nghe ý kiến, câu hỏi tại các group nhỏ để kịp thời ghi nhận, hỗ trợ xử lý khi câu hỏi chưa được giải đáp. Yêu cầu Phó hiệu trưởng nắm bắt thông tin về dự án tốt hơn và có tinh thần hỗ trợ anh chị nuôi khi có các cuộc điện thoại hỏi đáp …
Nuôi Em một lần nữa khẳng định, chúng tôi sẽ tập trung nhất vào việc nuôi đúng, quản lý trẻ tốt và dần dần tối ưu thêm các công tác thông tin.
Cơ chế chúng tôi lựa chọn ngoài hai cơ chế trên, còn cơ chế : Chính các anh chị nuôi cũng là những bạn công tác viên của chính mình: “Chủ động nắm thông tin khi cần thiết” bằng cách vào group chính thức của dự án ( khi đã có mã Nuôi Em và chuyển tiền ). Chứ không áp dụng cách “Spam” email, inbox nhiều.
Điều hành dự án Nuôi Em
Hoàng Hoa Trung – Forbes 30Under30 Việt Nam 2020
10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 của Văn phòng Thủ tướng Chính Phủ và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.